Unilever “trừng phạt” Bicico bằng cách không gia hạn hợp đồng?

25/03/2014 01:07
Duy Phong
(GDVN) - Trong khi đang chờ kết luận cuối cùng từ cơ quan điều tra về việc Bicico bán trộm nguyên liệu của mình, Unilever đã ra ngay thông báo không gia hạn hợp đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc không gia hạn hợp đồng cho Bicico gia công sản phẩm là một hành động “trả đũa” của Unilever. Mặc dù, trong văn bản ngày 15/11/2013, Unilever không nói đến điều này mà khẳng định: “Việc gia hạn hợp đồng gia công không liên quan đến bất kỳ sự cố nội bộ nào của Công ty”.

Thông báo từ chối gia hạn hợp đồng của Unilever Việt Nam
Thông báo từ chối gia hạn hợp đồng của Unilever Việt Nam

Lấy lý do, theo Quyết định số 200/2004/QĐ-UB ngày 18/8/2004 của UBND TP.Hồ Chí Minh, Unilever Việt Nam cũng như các cơ sở gia công sản phẩm cho Unilever đóng tại địa bàn này (Cư Xá Kiến Thiết, Q.9, TP.HCM) không thể duy trì hoạt động sản xuất dài hạn; Vị trí hiện tại của Nhà máy Hương Việt không thuận lợi cho đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh một cách độc lập và mở rộng phạm vi sản xuất trong tương lai.

Là tập đoàn đa Quốc gia, Unilever được đánh giá là rất coi trọng "chữ tín" trong kinh doanh.
Là tập đoàn đa Quốc gia, Unilever được đánh giá là rất coi trọng "chữ tín" trong kinh doanh.

Do đó, Unilever Việt Nam cho rằng, việc kéo dài thời hạn hợp đồng không phù hợp với kế hoạch đầu tư dài hạn của Unilever, cũng như sẽ không đem lại lợi ích kinh tế cho Bicico cả về trước mắt cũng như lâu dài.

Để có thể hoạt động một cách độc lập mà không cần đến sự hỗ trợ dịch vụ thì Bicico phải đầu tư một khoản tiền rất lớn để thay đổi cấu trúc nhà máy. Tuy nhiên, theo QĐ 200 việc thay đổi này là không được phép thực hiện.

Hàng trăm lao động tại Bicico có nguy cơ thất nghiệp vì Unilever chấm dứt hợp đồng, đây là hậu quả trong cách quản lý của lãnh đạo Bicico.
Hàng trăm lao động tại Bicico có nguy cơ thất nghiệp vì Unilever chấm dứt hợp đồng, đây là hậu quả trong cách quản lý của lãnh đạo Bicico.

Với sản lượng đặt hàng từ Unilever Việt Nam (tương đương 30.000 tấn/năm), theo tính toán của chúng tôi, phần lợi nhuận thu về được sẽ không đủ để Bicico trang trải các chi phí đầu tư.

Từ các lý do nêu trên, Unilever đề nghị Bicico chuẩn bị tốt các công việc cần thiết liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng gia công vào cuối tháng 6/2014 để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho cả công ty và người lao động.

Với lý do mà Unilever đưa ra, rõ ràng không đủ sức thuyết phục và phi thực tế. Cái cách mà Unilever “từ chối khéo” và việc Bicico bán trộm hàng chục tấn nguyên liệu của Unilever dường như đang  có mối liên hệ nào đó với nhau?

Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Duy Phong