Phát hiện thêm nhiều bê bối tại Cục Trồng trọt

31/03/2014 06:00
Duy Phong
(GDVN) - Với lý do nhập khẩu phân bón về khảo nghiệm, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đã cho phép một doanh nghiệp nhập với số lượng lớn bất thường..

2 văn bản “trùng số”

Ngày 30/11/2011, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc ký Văn bản số 2096/TT-ĐPB gửi Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Prathista Trâm (2695/14/3/6 Phạm Thế Hiển, phường 7, quận 8, TP.Hồ Chí Minh) có nội dung: Phúc đáp Văn bản ngày 24/11/2011 của Công ty về việc đăng ký nhập khẩu 7 loại phân bón có xuất xứ từ Ấn Độ để phục vụ công tác khảo nghiệm. Theo đó, Cục Trồng trọt có ý kiến đồng ý cho Công ty được nhập khẩu 7 loại phân bón nói trên.

Chỉ trong vòng ít ngày, Cục Trồng trọt ban hành 02 văn bản có số trùng nhau.
Chỉ trong vòng ít ngày, Cục Trồng trọt ban hành 02 văn bản có số trùng nhau.

Tuy nhiên, ít ngày sau (08/12/2011), Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc lại ký tiếp Văn bản số 2096/TT-ĐPB gửi Công ty TNHH MTV Thanh Khải với nội dung: Phúc đáp văn bản ngày 30/11/2011 của Công ty vào việc đăng ký vào danh mục phân bón NPK. Theo đó, Cục Trồng trọt có ý kiến loại phân bón sản xuất của Công ty có thành phần, hàm lượng chất dinh dưỡng thuộc nhóm phân bón NPK bón rễ…

Như vậy, chỉ sau ít ngày Cục Trồng trọt đã ban hành 2 văn bản có số trùng nhau. Điều khó hiểu là theo quy chế làm việc, công văn được các phòng ban trong Cục Trồng trọt soạn thảo sẽ phải qua các khâu rà soát như: chuyên viên soạn thảo công văn, lãnh đạo phòng ký trình lãnh đạo Cục, Văn phòng rà soát kiểm tra và ký, lãnh đạo Cục Trồng trọt ký, văn thư lấy số, lấy ngày và đóng dấu cho công văn… Với các công đoạn chặt chẽ như vậy khó có thể xảy ra sự nhầm lẫn. Nhiều người cho rằng, có thể 1 trong hai công văn đã được làm giả để trục lợi.

35.000 lít phân bón đã đi đâu?

Tất cả các phân bón lá của Công ty TNHH Nông nghiệp Xanh Prathista Trâm đều là những phân bón chưa hề có tên trong Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam. Như vậy, những phân bón này muốn nhập khẩu và kinh doanh tại Việt Nam phải tiến hành khảo nghiệm (theo các quy định về khảo nghiệm phân bón tại Điều 4, Thông tư số 52/2010/TT-BNNPTNT ngày 09/9/2010 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT).

35.000 lít phân bón lá được nhập khẩu về đã dùng vào việc gì?
35.000 lít phân bón lá được nhập khẩu về đã dùng vào việc gì?

Trong đó, Thông tư quy định rõ phải tiến hành khảo nghiệm diện rộng và diện hẹp với các loại cây trồng, loại đất, thời gian khảo nghiệm, địa điểm khảo nghiệm khác nhau. Tuy nhiên, trong Văn bản số 2096/TT-ĐPB gửi Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Prathista Trâm, Cục Trồng trọt chỉ yêu cầu Công ty khảo nghiệm diện rộng.

Với 3 loại cây trồng (lúa, cây rau và cây ăn quả), trên 3 loại đất (đất đỏ, đất phù sa và đất xám) tại 3 tỉnh (TP Hồ Chí Minh, Long An và Đồng Nai), thông thường lượng phân bón nhập khẩu cho phân bón lá chỉ xấp xỉ 50 lít/loại, tương đương với 350 lít cho 7 loại phân bón. Tuy nhiên, trong Công văn số 2096/TT-ĐPB ngày 30/11/2011, Cục Trồng trọt lại cho phép Công ty nhập khẩu với lượng phân bón “cực khủng”: 35.000 lít.

Như vậy, Cục Trồng trọt đã cho phép doanh nghiệp nhập khẩu một lượng lớn phân bón về khảo nghiệm liệu có xảy ra tiêu cực? Lượng phân bón lá khổng lồ được nhập khẩu về đã đi đâu hay đã được bán ra thị trường?

Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Duy Phong