Nếu thu hồi, ai sẽ quản lý khu đất dự án Tháp BIDV Diamond?

16/01/2015 06:54
Hải Ninh
(GDVN) - Do dự án Tháp BIDV Diamond vẫn "đắp chiếu" hàng chục năm, nên đến nay BIDV vẫn phải đi thuê thêm chỗ làm.

Chậm tiến độ... do Ngân hàng Nhà nước?

Trả lời phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam mới đây, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Trưởng phòng Ban Thương hiệu và Quan hệ công chúng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết nguyên nhân chậm tiến độ của Dự án tháp BIDV Diamond, diện tích 3.344m2, tại phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) và phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) là do: Thực hiện Quyết định số 931/QĐ-NHNN  ngày 15/5/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, về việc ban hành quy chế về người quản lý, người đại diện phần vốn Nhà nước tại Ngân hàng thương mại Nhà nước và Ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, HĐQT BIDV đã có Văn bản số 1372/CV-HĐQT ngày 28/6/2014 trình Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận chủ trương xây dựng Trụ sở chính BIDV tại khu đất nói trên nhưng hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang xem xét để phê duyệt chủ trương đầu tư.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa cũng khẳng định: "Hiện nay, BIDV cũng đang phải thuê trụ sở để làm việc, vì vậy nhu cầu có một trụ sở làm việc khang trang, hiện đại là cần thiết". 

Được biết, dự án Tháp BIDV Diamond được UBND TP.Hà Nội ban hành Quyết định số 8917/QĐ-UB ngày 25/12/2002 về việc thu hồi 3.344m2 đất tại dự án nêu trên giao cho Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Thăng Long thuê để xây dựng văn phòng làm việc và giao dịch, thời gian thuê đất là 30 năm.

Kết luận Thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chỉ ra nhiều sai phạm của BIDV. Ảnh: Hải Ninh.
Kết luận Thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chỉ ra nhiều sai phạm của BIDV. Ảnh: Hải Ninh.

Ngày 02/6/2011, UBND TP.Hà Nội có Quyết định số 2484/QĐ-UBND điều chỉnh đơn vị sử dụng đất từ BIDV Thăng Long sang BIDV Việt Nam và thời hạn thuê đất là 50 năm.

Ngày 16/02/2011, UBND TP. Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 01121000943 cho Ngân hàng BIDV thực hiện đầu tư xây dựng tháp BIDV Diamond, tiến độ thực hiện dự án Quý II/2011-quý II/2014.

Cùng với đó, ngày 01/7/2011, Ngân hàng BIDV ký Hợp đồng dịch vụ giao Công ty CP Đầu tư công đoàn BIDV thực hiện quản lý, bảo vệ khu đất tại số 8 Phạm Hùng, thời hạn hợp đồng 6 tháng.

Theo Kết luận Thanh tra số 1259/KL-STNMT-TTr ngày 08/7/2014 do ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ký nêu rõ: Tại thời điểm thanh tra, hiện trạng khu đất có hàng rào tôn, ranh giới riêng biệt, đã được san lấp mặt bằng, không có hoạt động đầu tư xây dựng. Trên khu đất có Công ty CP Đầu tư và Phát triển Việt Nam và Trung tâm dịch vụ xe Duy Tân đang hoạt động rửa xe, sửa chữa và trông giữ xe ô tô.

Kết luận của Sở Tài nguyên Môi trường cũng chỉ rõ, tại thời điểm thanh tra, dự án Tháp BIDV đã chậm tiến độ tới 137 tháng (cả 02 giai đoạn), theo quy định của Luật Đất đai thì dự án thuộc trường hợp phải thu hồi đất.

Nếu thu hồi, ai sẽ quản lý khu "đất vàng" tháp BIDV Diamond?

Được biết, ngày 14/5/2014, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Quyết định số 817/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với Ngân hàng BIDV với mức tiền phạt là… 6 triệu đồng.

Từ những sai phạm trên, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND TP.Hà Nội giao cho họ căn cứ các quy định pháp luật lập hồ sơ trình UBND Thành phố thu hồi diện tích 3.344m2  đất đã giao cho Ngân hàng BIDV thực hiện Dự án Tháp BIDV Diamond.

Tháp BIDV Diamond biến thành bãi... rửa, sửa và trông xe. Ảnh: Lê Xuân
Tháp BIDV Diamond biến thành bãi... rửa, sửa và trông xe. Ảnh: Lê Xuân

Sau khi thu hồi, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng kiến nghị giao diện tích đất này về cho Trung tâm Giao dịch đất đai và Phát triển quỹ đất Hà Nội (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) quản lý theo quy định của Luật đất đai.

Thông tin từ BIDV, năm 2014, ngân hàng này có tốc độ tăng trưởng huy động vốn và dư nợ tín dụng đều đạt trên 16%, nợ xấu được kiểm soát ở mức 2,37%, lợi nhuận trước thuế đạt 5.290 tỷ đồng, ROA 0,78%, ROE 13,8%, chia cổ tức 8,5%... nhưng, việc thực hiện Dự án Tháp BIDV lại “chây ỳ”, “giậm chân tại chỗ” trong nhiều năm là điều khó hiểu. Trước sức ép của dư luận và cơ quan quản lý Nhà nước, phải chăng BIDV đang tính toán bước đi “chiến lược” nào đó?

Hải Ninh