Lương hưu thấp, hàng chục cô giáo lặn lội đi đòi quyền lợi

25/03/2015 08:07
Xuân Hòa
(GDVN) - Gần 20 giáo viên mầm non vừa nghỉ hưu tại huyện Đô Lương, Nghệ An đã lên Bảo hiểm xã hội tỉnh để hỏi quyền lợi từ chế độ bảo hiểm xã hội sau khi nghỉ hưu.

Mức thu tiền bảo hiểm sai?

Nhiều ngày qua gần 12 giáo viên mầm non vừa nhận quyết định nghỉ hưu ngày 1/1/2015 của huyện Đô Lương, Nghệ An đã đến Bảo hiểm xã Hội tỉnh này để được giải quyết đơn thư tập thể về chế độ hưởng lương bảo hiểm xã hội.

Theo đó,  12 giáo viên này đều là các giáo viên có thời gian giảng dạy mầm no từ trước những năm 1990. Điển hình có nhiều giáo viên đã làm giáo viên mần non từ trước năm 1980. Tuy nhiên, do thời kỳ trước năm 1995 chưa có chương trình cụ thể cho việc giảng dạy mầm non nên các cô không làm chính thức cho trường nào.

Đơn trình bày của các giáo viên mầm non huyện Đô Lương về mức hưởng lương bảo hiểm quá thấp (ảnh Xuân Hòa)
Đơn trình bày của các giáo viên mầm non huyện Đô Lương về mức hưởng lương bảo hiểm quá thấp (ảnh Xuân Hòa)

Mãi đến năm 1995, khi các trường mầm non bắt đầu đi vào hoạt động quy củ, để ghi nhận sự đóng góp lâu dài của các giáo viên này nên chính quyền huyện Đô Lương đã tạo điều kiện cho các cô đóng bảo hiểm xã hội. Đến năm 2011, trong đợt giáo dục mầm non chuyển đổi mô hình từ bán công sang công lập, tất cả các giáo viên này đều được định biên vào biên chế tại các trường mầm non và vẫn đóng bảo hiểm đều đặn hàng tháng. 

Tại thời điểm năm 1995 các giáo viên này đều đóng mức bảo hiểm 290.000 đồng/tháng. Sau 13 lần điều chỉnh, đến cuối năm 2014 thì mức đóng bảo hiểm của các giáo viên này trước lúc nhận lương hưu là 1.700.000/tháng.

Trong thời gian công tác các giáo viên này vẫn được hỗ trợ đóng bảo hiểm hàng tháng theo quy định. Tuy nhiên, do thời gian đóng bảo hiểm đến khi nhận quyết định nghỉ hưu nhiều giáo viên vẫn đóng chưa đủ 20 năm bảo hiểm xã hội bắt buộc để được hưởng lương hưu nên các cô đã tiếp tục được hướng dẫn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đủ số năm như quy định. Những tháng còn thiếu này tất cả số giáo viên trên đều phải tự đóng bảo hiểm mỗi tháng 1.700.000 đồng/giáo viên.

Cho rằng, câu trả lời của Bảo hiểm xã hội huyện Đô Lương chưa thỏa đáng nên những ngày qua 12 giáo viên mầm non vừa nghỉ hưu của huyện Đô Lương thuê xe lên tận Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An để mong nhận được câu trả lời rõ ràng hơn về bất cập tiền lương hưu mà họ được nhận hiện nay (ảnh Xuân Hòa)
Cho rằng, câu trả lời của Bảo hiểm xã hội huyện Đô Lương chưa thỏa đáng nên những ngày qua 12 giáo viên mầm non vừa nghỉ hưu của huyện Đô Lương thuê xe lên tận Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An để mong nhận được câu trả lời rõ ràng hơn về bất cập tiền lương hưu mà họ được nhận hiện nay (ảnh Xuân Hòa)

“Do thời điểm tính từ khi đóng bảo hiểm là ngày 1/1.1995 đến khi chúng tôi nhận quyết định nghỉ hưu vào ngày 1/1/2015 nhiều người vẫn chưa đủ số tháng đóng bảo hiểm tròn 20 để hưởng chế độ lương nên tiếp tục được hướng dẫn đóng bảo hiểm xã hội. Cứ mỗi tháng thiếu như vậy mỗi giáo viên đều phải đóng 100% số tiền bảo hiểm với mức đóng 1.700.000/giáo viên/tháng. Tất cả đều làm theo đúng hướng dẫn để được nhận lương vì ai cũng nghĩ mình đã cống 30, 40 năm cho ngành giáo dục thì còn vài tháng nữa cũng đóng cho xong để hưởng số tiền lương hàng tháng phòng khi tuổi già”, các giáo viên đồng thanh cho biết.

Theo các giáo viên trên cho biết, khi biết thông tin theo quy định số tháng bảo hiểm đóng thiếu khi chưa đủ 20 năm trước quyết định nghỉ hưu vẫn được đơn vị sử dụng hỗ trợ 1 phần đóng chứ không phải đóng 100%. Nên sau đó các các giáo viên này đã kiến nghị lên Bảo hiểm xã hội huyện Đô Lương. Khi các giáo viên lên hỏi thì được cán bộ Bảo hiểm xã hội huyện Đô Lương trả lời là mức thu 1.700.000/giáo viên/tháng của những tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sau này là thu chưa đúng, số tiền thu thừa sẽ được trả lại cho các giáo viên. Nhưng đến nay số tiền trên vẫn chưa được Bảo hiểm xã hội huyện Đô Lương trả cho các giáo viên.

Đóng 1,7 triệu đồng bảo hiểm/tháng, nhận lương 1,1 triệu/tháng

Nhưng điều đáng buồn hơn khi tháng 1/2015 khi nhận tháng lương bảo hiểm đầu tiên các giáo viên mới tá hỏa vì chỉ được hưởng chế độ đóng bảo hiểm tự nguyện với mức lương nhận được chỉ có 1.490.000 đồng/giáo viên. Thấy mức lương mình nhận được hàng tháng như trên là bất cập theo Nghị định 45 của Thủ tướng chính phủ và chưa thỏa đáng với công sức đóng góp 30, 40 năm phục vụ trong ngành giáo dục nên các giáo viên đã kiến nghị lên Bảo hiểm xã hội huyện Đô Lương, UBND huyện Đô Lương. Cùng với đó các giáo viên cho rằng, mức đóng năm 1995 là 290.000 đồng thì nay mức trượt giá từ thời điểm đó đến nay thì số tiền họ nhận hàng tháng như vậy là quá bèo bọt.

Các giáo viên trên khi trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đều cho rằng mức lương họ được hưởng quá bèo bọt so với công sức hơn 30 năm họ đóng góp cho ngành giáo dục (ảnh Xuân Hòa)
Các giáo viên trên khi trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đều cho rằng mức lương họ được hưởng quá bèo bọt so với công sức hơn 30 năm họ đóng góp cho ngành giáo dục (ảnh Xuân Hòa)

“Thực tế chúng tôi chỉ được số tiền lương bảo hiểm mỗi tháng chưa đến 700.000 đồng/giáo viên. Mức lương 1.490.000/tháng/giáo viên theo cán bộ Bảo hiểm xã hội huyện giải thích là đã được điều chỉnh để bằng mức lương tối thiểu. Những tháng cuối cùng chúng tôi đã phải đóng đến 1.700.000 đồng tiền bảo hiểm xã hội/giáo viên mà nay mức lương còn thấp hơn mức đóng thì quá thiệt thòi.

Năm 1995, khi chúng tôi bắt đầu đóng bảo hiểm mỗi tháng chỉ phải đóng 290.000 đồng/tháng vì đó là theo quy định. Cùng với đó vào thời điểm trên số tiền 290.000 đồng nó cũng có giá trị khác. Bởi sự trượt giá đó nên chính ngành bảo hiểm cũng đã phải thay đổi mức đóng bảo hiểm xã hội từ đó đến nay tận 13 lần. Cộng với sự trượt giá, cộng cả 30, 40 cống hiến cho giáo dục mà giờ đây khi về hưu chúng tôi chỉ nhận được mức lương 1.140.000 đồng/tháng thì quả là bèo bọt”, cô Lê Thị Oanh – nguyên giáo viên trường Mầm non Đăng Sơn, huyện Đô Lương nói trong nước mắt.

Có cùng tâm trạng cô Lê Thị Vỹ - nguyên giáo viên trường Mầm non Bắc Sơn, huyện Đô Lương nói trong ngậm ngùi: “Chúng tôi đã cống hiến cho giáo dục hơn 30 năm nhưng nay về hưu lại chỉ được nhận tiền lương bảo hiểm xã hội tự nguyện. Mức lương chúng tôi thực tế còn thấp hơn cả một người nông dân đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. 

Chúng tôi gần như mỗi người chỉ thiếu 2 đến 3 tháng nữa là đóng đủ 20 bảo hiểm bắt buộc trước khi nghỉ hưu và chúng tôi cũng đã được vào biên chế. Đáng ra chúng tôi phải được hưởng lương như một công chức, viên chức về hưu. Nhưng nay chúng tôi phải chuyển sang hưởng chế độ của bảo hiểm tự nguyện thì coi như hơn 30 năm trời chúng tôi bỏ công sức đóng góp cho ngành giáo dục vào thời kỳ còn khó khăn không hề được ghi nhận gì. Nếu vậy quả là thật bất công cho những giáo viên thế hệ chúng tôi quá”.

Theo các giáo viên trên cho biết trong đợt nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội vào tháng 1/2015 thì riêng tại huyện Đô Lương có khoảng 20 giáo viên. Cho rằng câu trả lời của UBND huyện và Bảo hiểm xã hội huyện Đô Lương chưa thỏa đáng nên nhiều ngày nay 12 giáo viên mầm non trên của huyện Đô Lương lại góp tiền thuê xe xuống Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An để mong sớm được có câu trả lời thỏa đáng hơn.

Vậy thực tế mức tiền lương bảo hiểm các giáo viên trên nhận như vậy đã đúng với quy định hay chưa, mong các cơ quan chức năng liên quan tỉnh Nghệ An sớm có câu trả lời cho các giáo viên an lòng?. 

Xuân Hòa