Vụ Tiến sĩ văng tục trên bục giảng:

GS Ngô Đức Thịnh phần nào đồng cảm với TS văng tục

14/03/2012 06:27
Hải Sơn - Cao Tuân (ghi)
(GDVN) - Việc TS. Dương giảng tại Viện FSB với nhiều từ ngữ gây 'sốc' xôn xao dư luận, báo GDVN có cuộc trò chuyện với GS. Ngô Đức Thịnh nhìn ở góc độ văn hóa.
Sau khi đoạn video bài giảng có kèm theo những phát ngôn gây “sốc” trên bục giảng của TS. Lê Thẩm Dương - Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh (Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh) cho học viên tại Viện Quản trị Kinh doanh FSB (Trường ĐH FPT) được tung lên mạng thì rất nhiều ý kiến, quan điểm trái chiều nhau: Nên ủng hộ hay phản đối cách giảng bài theo cách của Tiến sĩ Lê Thẩm Dương?

Dưới góc nhìn về văn hóa Việt và đặc biệt là cách sử dụng ngôn ngữ ở trong môi trường sư phạm, GS. Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian Việt Nam (nay là Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam), Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Giáo dục Việt Nam xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa GS, dư luận thời gian qua có nhiều ý kiến khác nhau về việc sử dụng ngôn ngữ trong một buổi giảng bài của TS. Lê Thẩm Dương có pha lẫn những từ ngữ có phần tục tĩu vượt quá mức cần thiết của một bài giảng, GS có nhận xét gì về điều này?
GS Ngô Đức Thịnh: Giảng bài có sử dụng ngôn ngữ gì đi nữa thì cũng phải ở chừng mực, có giới hạn và phải chính xác khoa học vì sử dụng ngôn ngữ tùy tiện, vô hạn thì không nên. Bởi nếu anh vượt quá giới hạn của ngôn ngữ và vượt qua ngôn ngữ phổ thông đặc biệt là ở trong môi trường sư phạm thì cũng cần phải xem xét lại.
PV: Tại buổi giảng ngày hôm đó, TS. Lê Thẩm Dương có trao đổi về vấn đề quản trị doanh nghiệp cho những người ngồi trong phòng và liên hệ đến “chuyện phòng the” để làm ví dụ. Theo GS, việc đó có liên quan gì với nhau không?
GS Ngô Đức Thịnh: Điều này cần phải tùy thuộc vào từng trường hợp và đặt trong bối cảnh cụ thể thì mới đánh giá được việc đó có liên quan tới nhau hay không. Nếu như khéo léo lắp ghép chúng lại với nhau hợp lý, có lôgic mà vẫn đảm bảo tính khoa học và giá trị văn hóa thì có thể chấp nhận được. Nhưng đưa cũng cần phải có chừng mực nhất định. Nghĩa là cách sử dụng ngôn ngữ phải được chuẩn hóa và có tính khoa học để thể hiện tính hiệu quả.

GS. Ngô Đức Thịnh (ảnh nhỏ bên phải) nói về Tiến sĩ văng tục trên bục giảng gây xôn xao dư luận thời gian qua. >>Bấm vào đây để xem video Tiến sĩ Lê Thẩm Dương văng tục
GS. Ngô Đức Thịnh (ảnh nhỏ bên phải) nói về Tiến sĩ văng tục trên bục giảng gây xôn xao dư luận thời gian qua.

>>Bấm vào đây để xem video Tiến sĩ Lê Thẩm Dương văng tục

Tính khoa học ở đây là ý tứ phải rõ ràng, văn hóa không thể lệch lạc. Như thế mình mới đo đếm được hiệu quả mà vẫn không thể bị bắt lỗi, gây phản cảm được. Bởi ngôn ngữ Việt Nam vốn đã đa nghĩa nên có thể mình nói theo cách này nhưng mọi người lại nhìn ở góc độ khác. Nếu khi giảng thì ta sử dụng ngôn ngữ vừa phải mà vẫn đảm bảo thu hút được những người đang nghe mình giảng bài.
PV: Theo GS sự dẫn dắt câu chuyện với bài giảng có liên quan đến vấn đề “tế nhị” khó nói và “chuyện phòng the” của TS. Lê Thẩm Dương chấp nhận được?
GS Ngô Đức Thịnh: Theo tôi nói xen với chuyện phòng the trong giảng dạy là chuyện bình thường khi người giảng biết gắn kết được với mối quan hệ với nhà trường – học sinh mang lại kết quả tốt. Nhưng chúng ta cũng cần phải cân nhắc nói đến đâu, giới hạn ở chừng mực nào. Còn nếu việc đan xen vấn đề các bạn gọi là “chuyện tế nhị” đó vào đúng và trúng vấn đề cần truyền tải mà dẫn dắt người ta đến đích của vấn đề thì cũng được coi là thành công rồi.
Ngược lại, nếu vấn đề dẫn dắt đưa không khéo, không hấp dẫn, không gây lôi cuốn thì đưa chuyện đó vào trở thành vô nghĩa, thậm chí nếu đưa cái gì đó vào quá mức cần thiết thì rất có thể nó sẽ bị hỏng.
PV: Thế còn việc sử dụng những ngôn từ tục tĩu kết hợp trong bài giảng mà đạt hiệu quả thì có nên không?
GS Ngô Đức Thịnh: Như tôi đã nói, cái cốt lõi là hiệu quả và rõ ràng có khoa học, chuẩn văn hóa. Còn nếu truyền đạt tốt, nội dung rõ ràng mà không thô tục thì tốt quá còn gì.
- Xin cảm ơn GS. Ngô Đức Thịnh!


Hải Sơn - Cao Tuân (ghi)