Đà Nẵng: Cuộc sống nhiều hộ dân bị ảnh hưởng khi xây dựng cầu vượt

24/01/2015 08:01
THÙY LINH
(GDVN) - Cho rằng việc làm ăn buôn bán bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ khi xây dựng cầu vượt ngã ba Huế, nhiều hộ dân sống xung quanh đã làm đơn kiến nghị.

Trong đơn kiến nghị khẩn cấp gửi chính quyền TP Đà Nẵng, các hộ dân số nhà từ 625 đến 725 phía Nam đường Điện Biên Phủ (phường An Khê, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) phản ánh về việc cuộc sống của họ bị đảo lộn sau khi có dự án xây dựng công trình cầu vượt ngã ba Huế.

Theo nội dung đơn kiến nghị của hàng chục hộ dân ký đơn tập thể viết: Trước đây vào năm 2005, theo quy hoạch phát triển đô thị chung của thành phố Đà Nẵng là nâng cấp toàn tuyến đường Điện Biên Phủ. Vì vậy, chúng tôi nằm diện phải giải tỏa, đền bù theo hình thức có thu tiền sử dụng đất.

Vừa qua, thành phố triển khai xây dựng cây cầu vượt ngã ba Huế. Hiện nay cây cầu đang trong giai đoạn thi công. Tuy nhiên, kể từ khi đi vào xây dựng thì mọi hoạt động kinh doanh, buôn bán cũng như sinh hoạt hàng ngày của gia đình chúng tôi bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng.

Hàng chục hộ dân có nhà bị ảnh hưởng bởi công trình cầu vượt ngã ba Huế tụ tập dưới chân cầu đang xây dang dở để kiến nghị. Ảnh Thùy Linh
Hàng chục hộ dân có nhà bị ảnh hưởng bởi công trình cầu vượt ngã ba Huế tụ tập dưới chân cầu đang xây dang dở để kiến nghị. Ảnh Thùy Linh

Cụ thể: để tiến hành thi công xây dựng cây cầu, BQL dự án đã tiến hành che chắn, ngăn đường không cho các phương tiện giao thông qua lại, cộng với việc thi công ngày đêm ồn ào, bụi bặm…khiến chúng tôi không thể buôn bán, kinh doanh được nữa. Đã gần một năm trôi qua, gia đình chúng tôi lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn về mọi mặt sinh hoạt cũng như điều kiện về tài chính.

"Thay vì trước đây khi nhận đất tái định cư, mảnh đất của gia đình chúng tôi nằm trên trục chính đường Điện Biên Phủ với diện tích đường rộng 48m và lề đường 6m. Việc này đồng nghĩa gia đình chúng tôi phải nộp tiền cho Nhà nước theo hệ số đường trên. Giờ đây, khi cây cầu chạy qua diện tích mặt đường thì chỉ còn lại mỗi bên 7m và lề đường còn lại 4,5m. Trước đây, mặt tiền của gia đình chúng tôi nhìn ra đường thông thoáng, hai chiều xe qua lại thuận tiện cho việc làm ăn, buôn bán thì giờ đây chắn giữa đường là cây cầu vượt và một bức tường chắn dưới gầm cầu, khiến mặt tiền của gia đình chúng tôi bị che chắn và hạn chế không gian, đồng nghĩa với việc kinh doanh buôn bán là không thể thực hiện được nữa", nội dung đơn kiến nghị viết.

Ngoài ra, theo hàng chục hộ dân thì trong quá trình thi công cây cầu, do phải khoan nhồi móng cầu và các biện pháp thi công khác đã dẫn tới ảnh hưởng tới kết cấu của các ngôi nhà liền kề. Họ đã phản ánh việc này với BQL công trình nhưng cũng không được giải quyết.

"Chúng tôi là những người dân sống trên địa bàn thành phố, là người con của thành phố, từ trước tới nay mọi chính sách thay đổi của thành phố chúng tôi đều thực hiện một cách nghiêm chỉnh. Cụ thể, chúng tôi đã thực hiện việc giải tỏa đến 03 lần để thực hiện chủ trương mở rộng, nâng cấp tuyến đường Điện Biên Phủ, để cho tuyến đường trở thành tuyến đường hiện đại và đẹp nhất thành phố như hiện nay. Thiết nghĩ mọi sự thay đổi, quy hoạch để xây dựng thành phố đẹp hơn, hiện đại hơn, văn minh hơn thì phải đảm bảo đời sống của người dân tốt hơn", một đoạn trong đơn kiến nghị viết.

Một hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng công trình đứng dậy phát biểu trước lãnh đạo UBND quận Thanh Khê vào sáng 23/1. Ảnh Thùy Linh
Một hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng công trình đứng dậy phát biểu trước lãnh đạo UBND quận Thanh Khê vào sáng 23/1. Ảnh Thùy Linh

Nguyện vọng của hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng từ dự án xây dựng cầu vượt ngã ba Huế là: Xem xét lại giá trị quyền sử dụng đất mà trước đây thành phố đã bán cho họ, bởi vì trước đây thành phố đã áp giá bán theo hệ số đường là 48m và lề đường 6m; hiện nay đường chỉ còn 7m, lề đường 4,5m; không còn điều kiện để kinh doanh, giá trị nhà đất mất đi gần một nửa.

Đồng thời, thành phố can thiệt khẩn cấp đối với BQL dự án về việc thi công ảnh hưởng đến kết cấu nhà của các hộ liền kề để BQL có biện pháp khắc phục, vì nếu không được khắc phục kịp thời thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản và nghiêm trọng hơn nữa là tính mạng của người dân nếu hậu quả xảy ra. 

"Năm hết, Tết đến rồi, cuộc sống của chúng tôi đang lâm vào cảnh hết sức khó khăn và còn tiếp tục khó khăn khi phải gánh chịu hậu quả trực tiếp của việc xây dựng cây cầu vượt trong hiện tại và trong cả tương lai như những gì chúng tôi nêu ở trên", nội dung đơn kiến nghị trình bày.

Được biết, liên quan đến nội dung đơn kiến nghị này, ngày 31/12/2014, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đã ký văn bản gửi UBND quận Thanh Khê, Ban GPMB các dự án đầu tư xây dựng Đà Nẵng, Công ty TNHH BT Ngã ba Huế - Trung Nam, UBND phường An Khê. 

Theo nội dung văn bản thì các hộ dân đề nghị nhận hỗ trợ ngừng sản xuất kinh doanh một lần đến ngày 29/3/2015 (ngày dự kiến khánh thành cầu vượt ngã ba Huế - PV) UBND TP đã có chủ trương chung hỗ trợ từng tháng cho các hộ bị ảnh hưởng bởi chốt giao thông, rào chắn công trình cho đến khi tháo dỡ rào chắn thi công công trình.

Việc hỗ trợ cụ thể cho các hộ bị ảnh hưởng: Tùy theo tình hình thực tế tại dự án, Ban GPMB các dự án đầu tư xây dựng Đà Nẵng phối hợp với UBND quận Thanh Khê chủ động trong việc chi trả cho các hộ dân.

Đối với việc xác định giá đất đường Điện Biên Phủ do thay đổi từ mặt cắt đường 42m nay là đường gom 7m: UBND TP đã có chủ trương tại Công văn số 11069 ngày 03/12/2014, giao cho các đơn vị chức năng liên quan xem xét tính toán lại giá trị đất trước và sau khi thực hiện xong dự án Nút giao thông khác mức Ngã ba Huế để đảm bảo tính chính xác, phù hợp với tình hình thực tế tại thời điểm hoàn thành dự án đảm bảo quyền lợi cho các hộ bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, UBND TP cũng có Công văn số 12039 về việc kết quả thí nghiệm xác định phạm vi ảnh hưởng của chấn động đến công trình lân cận khi thi công công trình Nút giao thông Ngã ba Huế. Trong đó, UBND TP giao cho Công ty TNHH Ngã ba Huế - Trung Nam phối hợp với các quận Thanh Khê, Liên Chiểu, Cẩm Lệ và UBND các phường An Khê, Hòa An, Thanh Khê Tây, Hòa Minh; đơn vị thi công, đơn vị bảo hiểm căn cứ bản vẽ ranh giới để xác nhận thực tế khoảng cách từ vị trí thi công đến vị trí gần nhất của nhà các hộ dân có đơn kiến nghị. Đồng thời cho phép Công ty TNHH BT ngã ba Huế - Trung Nam chỉ thực hiện kiểm định, bồi thường thiệt hại đối với các hộ dân có nhà (gồm một phần nhà và toàn bộ nhà) nằm trong phạm vi ranh giới vùng ảnh hưởng rung động đến công trình lân cận.

Dự án cầu vượt ngã ba Huế đã sắp hoàn thành tiến độ. Ảnh Thùy Linh
Dự án cầu vượt ngã ba Huế đã sắp hoàn thành tiến độ. Ảnh Thùy Linh

Tuy nhiên, chưa hài lòng với cách xử lý mang tính chất "chung chung" của thành phố, ngày 23/1, hàng chục hộ dân đã tụ tập tại công trình cầu vượt ngã ba Huế để đòi quyền lợi.

Sự việc căng thẳng khiến lực lượng cảnh sát phải có mặt để đề phòng các tình huống xấu xảy ra. Theo hộ dân ở số nhà 723 Điện Biên Phủ thì: "Thành phố phải đưa ra một giá đền bù hợp lý và phải có công văn, văn bản cam kết hẳn hoi. Nếu không có tiền trả ngay cho chúng tôi thì phải hứa lúc nào trả bằng văn bản chứ không thể nói suông được".

Còn theo bà Nguyễn Thị Mai (51 tuổi, trú nhà 635 Điện Biên Phủ, quận Thanh Khê), bà mua ngôi nhà này khoảng 4-5 năm với giá 4 tỷ đồng để cho con trai sau này học xong đại học thì mở công ty. 

"Nhưng giờ bị cầu chắn trước mặt như thế nên không thể làm ăn buôn bán gì được nữa. Bây giờ mong muốn giải tỏa, đền bù theo giá thực tế để đi chỗ khác làm ăn, chứ ở đây thì không thể làm ăn gì được nữa", bà Mai nói.

Có mặt tại hiện trường sáng 23/1, ông Lê Minh Trung, Phó bí thư Quận ủy Thanh Khê, cho biết: Về những thắc mắc của người dân, chúng tôi hoàn toàn thấu hiểu. Do ở công trình này có đặc thù khác, nhiều yếu tố nên giờ chưa thể đưa ra mức áp giá đền bù cụ thể bây giờ được nên bà con yên tâm khi thi công xong thành phố sẽ giải quyết thấu đáo vấn đề này.

“Với trách nhiệm của người lãnh đạo cao nhất của quận, tôi xin hứa sẽ đồng hành cùng bà con để thực hiện có kết quả mà hai nội dung bà con đã kiến nghị”.

Lãnh đạo UBND quận Thanh Khê có mặt tại công trình để giải thích rõ những thắc mắc, kiến nghị của các hộ dân. Tuy nhiên, sự việc vẫn chưa kết thúc vì giữa chính quyền và người dân vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Ảnh Thùy Linh
Lãnh đạo UBND quận Thanh Khê có mặt tại công trình để giải thích rõ những thắc mắc, kiến nghị của các hộ dân. Tuy nhiên, sự việc vẫn chưa kết thúc vì giữa chính quyền và người dân vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Ảnh Thùy Linh

Được biết, cầu vượt nút giao thông ngã ba Huế được khởi công xây dựng vào ngày 28/9/2013; công trình do nhà đầu tư Liên danh Cty TNHH Ngã bã Huế Trung Nam và Cty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam thực hiện và đơn vị tài trợ vốn là Ngân hàng TMVP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Công trình có quy mô cấp 1, tổng mức đầu tư giai đoạn một là hơn 1.700 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức BT – xây dựng, chuyển giao. 

Khi hoành chỉnh, công trình cầu vượt ngã ba Huế sẽ gồm 3 tầng, mỗi tầng 4 làn xe, bề rộng từ 15 đến 17m. Dự kiến công trình hoàn thành vào ngày 29/3/2015 đúng vào ngày kỷ niệm 40 năm giải phóng thành phố Đà Nẵng.

Để thi công dự án này, có hơn 400 hộ dân thuộc 3 quận Thanh Khê, Liên Chiểu, Cẩm Lệ phải di dời để lấy mặt bằng. 

THÙY LINH