Bánh Nổ giòn, thơm ngày tết

17/02/2015 06:10
ĐỖ TẤN NGỌC
(GDVN) - Vị giòn thơm, ngọt ngào của nếp của đường, vị cay nồng của gừng trong từng miếng bánh Nổ, gợi ta nhớ mãi vị hương quê nhà, nhớ về không khí đầm ấm ngày tết

Ngày Tết cổ truyền ở xứ Quảng, quê tôi,  từ  đĩa bánh trái trên bàn thờ cúng gia tiên đến những đĩa bánh kẹo chuẩn bị sẵn để đãi khách, bà con, anh em, chòm xóm xa gần đến chúc mừng năm mới, không bao giờ thiếu loại bánh Nổ, nhỏ xinh, giòn thơm.Nó được những mẹ, chị, bà nơi thôn quê này khéo léo xắt thành nhiều hình dạng khác nhau, khi thì hình chữ nhật, khi thì hình tròn, lúc thì hình tam giác, được bày biện gọn gàng, đan xen cùng các loại bánh trái thân thuộc khác như bánh thuẫn, bánh in, bánh mì xốp, trông thật bắt mắt, ấn tượng. 

Ngoài mục đích thờ cúng, tiếp đãi khách khứa trong ba ngày Tết, nhiều gia đình nông thôn ở quê tôi, còn làm thật loại bánh Nổ để sau Tết có cái cho con cháu chút quà đi xa, để có cái ăn xế, nửa buổi trong ngày mùa, lao động vất vả, mệt nhọc. Vị ngọt của đường, vị cay của gừng, vị thơm bùi của gạo nếp, quyện vào nhau, làm nên hương vị riêng mà thân quen của miếng bánh Nổ truyền thống. Vị ý nào bằng trong không khí ngày Tết.

Thời trước đây, Tết ở quê tôi thật vui và rộn ràng, nhất là thời gian trước Tết, khoảng 20 tháng chạp trở đi, nhà nhà, người người tươi vui, hớn hở, tấp bật chuẩn bị những thứ cho Tết. Những thứ cho Tết đều là các sản vật, có sẵn trong nhà, vườn, đều làm bằng thủ công, chân tay, cách nghĩ, cách cảm của người nhà quê, nên nó thú vị , hay hay đến lạ thường. Mùa gạnh (vụ ba) một đám ruộng, chừa một khoảnh để gieo sạ loại lúa nếp, thân cao ngồng ngồng, có hạt to, tròn và rất thơm, chuyên dùng để làm bánh Nổ cho ngày Tết. Tới mùa, để riêng, phơi khô, cất kĩ. Trước Tết, các mẹ, các bà, đem nếp đến những phiên chợ quê, nhờ các lò, chảo chuyên rang, bung Nổ làm giúp.

Bánh Nổ thường được thờ cúng và tiếp đãi khách trong ba ngày Tết
Bánh Nổ thường được thờ cúng và tiếp đãi khách trong ba ngày Tết

Ngày đó, tôi còn thơ bé, cùng với đám con trẻ lóc nhóc trong làng, được cha mẹ giao nhiệm vụ, lúc rảnh rỗi, không học hành thì lo nhặt lượm Nổ, lượm sạch những vỏ trấu còn vương mắc trên các hạt Nổ. Lượm hết, lượm sạch cho vào bao ni lông cột chặt. Quê tôi, nhà tôi thường chọn thời khắc quá nửa đêm để đóng Nổ. Bố mẹ tôi bảo, đóng Nổ giờ đó, bánh Nổ sẽ cứng và giòn hơn. Tôi chỉ biết vậy.  Hôm đó, cả nhà tôi thường ăn cơm sớm và đi ngủ sớm. Cỡ khoảng 12 giờ đêm, bố mẹ tôi lay, gọi anh, chị em tôi dậy. Khuôn bánh đã  sẵn sàng. Chảo sên đường cùng với ít gừng tươi đang sôi sùng sục trên bếp than đỏ rực. 

Tôi là thành viên nhỏ nhất trong nhà, được giao mỗi việc giữ khuôn, mẹ và các chị thì sên đường và trộn Nổ cho thật đều, bố và các anh thay nhau đóng, gõ lốc cốc. Bên bếp lửa ấm nồng, vị thơm lừng của đường và gừng lan tỏa, mọi người trong nhà vừa làm vừa nói chuyện, cười đùa râm rang giữa tiết trời se se lạnh. Trời gần về sáng, công việc hoàn tất, hàng  chục cây bánh nổ vuông vức bày sẵn ra sàng, ra mân. Lại nhóm thêm bếp than lửa, sấy bánh cho kết dính, khô giòn.

Bây giờ, bố tôi đã không còn, mẹ tôi đã già rồi, tôi và các anh chị em đã khôn lớn, trưởng thành, ai cũng ra ở riêng, không còn  làm bánh Nổ như xưa nữa. Cảnh làm Nổ ngày nào mãi mãi là hình ảnh, là kí ức đẹp đẽ không bao giờ quên đối với tôi. Nhiều năm nay, các cơ sở ở thành phố Quảng Ngãi, Tư Nghĩa nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng, đã sản xuất đại trà bánh Nổ, bày bán khắp ở các chợ, các siêu thị.Phần lớn gia đình  trong ngày lễ, tết mua ít bánh Nổ cho tiện, đỡ tốn công sức và thời gian. Chỉ còn một số ít gia đình lao động ở các xã khu Tây Sơn Tịnh, Nghĩa Hành... bây giờ vẫn giữ cách làm bánh Nổ bằng thủ công.

Tất nhiên, bánh Nổ " công nghiệp" về hình thức có phần mượt mà, bắt mắt hơn nhưng cái đậm đà, ngon thơm làm sao sánh bằng những cây bánh, miếng bánh Nổ thủ công do chính bàn tay chúng ta làm ra. Bánh Nổ là thứ bánh đậm đà chất quê hương, đồng lúa. Mộc mạc, giản dị như khí chất người đất Quảng. Vị giòn thơm, ngọt ngào của nếp, của đường, vị cay nồng của gừng trong từng miếng bánh Nổ, gợi ta nhớ mãi vị hương quê nhà, nhớ về không khí đầm ấm, thiêng liêng ngày Tết.  

ĐỖ TẤN NGỌC